Từ vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) trở về, nhiều người
hoạt động trong ngành lâm nghiệp và các nhà bảo tồn thiên nhiên đã bày
tỏ sự lo ngại khi rừng đặc biệt quý giá ở vùng này đang bị biến thành
một đại công trường...
Vườn quốc gia Bạch Mã đóng cửa không đón du khách gần hai năm nay
để xây dựng, mọi việc diễn ra trong khu rừng này hầu như rất ít người
được biết đến. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới lọt qua được chốt chặn ở
cổng vào và chứng kiến những hình ảnh khiến các nhà chuyên môn lo
lắng.


Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã Bachma2
Rất nhiều cây rừng tự nhiên bị đốn hạ để mở đường đi lên đỉnh Bạch Mã - Ảnh: Thái Lộc

Nổ mìn, chặt cây

Từ km8 tính từ cổng vườn, một công trường mở rộng đường lên Bạch Mã
bắt đầu diễn ra ầm ầm như một mỏ đá lớn đang khai thác. Tại thác Ly Ly
(ở km12), một trong những điểm dừng của du khách trên đường lên Bạch
Mã, hàng chục công nhân khoan, chẻ đá và chuyển đá lên những chiếc xe
tải nhỏ.

Cách thác Ly Ly khoảng 500m là thác Bà Đầm, cũng là một điểm du lịch
tuyệt đẹp, có đặt một tấm bảng “đang nổ mìn, nguy hiểm, cấm vào”.

Một công nhân làm đường cho biết khu vực chân của hai ngọn thác tuyệt đẹp này trở thành mỏ đá để làm đường.

Từ km17 (đoạn biệt thự Đỗ Quyên) lên đến đỉnh Bạch Mã, con đường được
mở rộng bằng cách bạt núi, chặt cây. Hàng trăm cây rừng nằm nghiêng
ngả, giăng ngang đường. Hàng chục cây có đường kính lớn hơn 30-40cm
(theo đánh giá của các chuyên gia, ở độ cao hơn 1.000m, những cây có
đường kính như thế này đã là cổ thụ) cũng bị đốn hạ.

Gỗ rừng được chất thành từng đống, xếp hàng dài ven lề đường. Ít nhất
chín cây thông cổ thụ được trồng từ những năm 1930, có cây đường kính
chừng 60cm đã bị chặt trơ gốc.
Khách sạn Bonny, kiến trúc lớn thứ hai trong số 139 kiến trúc biệt
thự cổ của người Pháp để lại, bị phá bỏ một phần để mở đường...

Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã Bachma4
Phần nền đường lấn vào phế tích khách sạn Bonny

Ông Huỳnh Văn Kéo, giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết dự án mở
rộng đường lên đỉnh Bạch Mã bắt đầu từ tháng 8-2009, tổng vốn 80 tỉ
đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2012. Theo ông, không thể tránh khỏi
việc nổ mìn phá đá để làm đường.

Ông Kéo nói: “Nếu không dùng mìn thì không thể làm được, vì đá granit
đen cứng lắm. Rõ ràng làm cái gì cũng phải trả giá. Do đó, nói không
ảnh hưởng là không đúng nhưng chúng tôi cố gắng hạn chế tối đa sự ảnh
hưởng”.

Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã Bachma3
Nổ mìn phá đá tại km13 ngay trong vườn quốc gia Bạch Mã

Về việc này, PGS.TS Lê Văn Thăng - viện trưởng Viện Tài nguyên môi
trường và công nghệ sinh học (Đại học Huế), đơn vị được mời đánh giá
tác động môi trường dự án làm đường, cho rằng: “Nổ mìn thì ảnh hưởng
đến sự phân bố các loài ở trong vườn. Bài toán đặt ra khi nổ mìn là các
loài vật ảnh hưởng như thế nào, các loài di chuyển đi đâu thì phải
tiếp tục nghiên cứu. Nhưng nếu không dùng mìn thì không có cách gì làm
đường được cả”.

Riêng việc chặt cây, ông Kéo thừa nhận chỉ chặt một số ít cây nằm trên
taluy, không chặt thì không thể thi công được. Đối với những cây thông
cổ thụ, ông Kéo nói đây là những cây ngoại lai, được trồng khi Bạch Mã
chưa là vườn quốc gia, lại nằm trên taluy dương nên phải chặt.

Biến Hải Vọng Đài thành chùa

Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã Bachma1
Ngôi nhà bát giác Hải Vọng Đài - vốn được dùng làm tháp canh rừng và đài vọng cảnh - đã bị biến thành chùa - Ảnh: Thái Lộc

Bạch Mã nổi tiếng không chỉ là điểm du lịch lý tưởng của vùng khí hậu
lạnh giữa xứ sở nhiệt đới mà còn có Hải Vọng Đài là điểm cao lý tưởng
để ngắm cảnh, nơi có thể phóng tầm mắt bao quát cả bạt ngàn rừng núi,
đồng bằng, đầm phá và biển Đông.

Vườn quốc gia đã cho xây một ngôi nhà bát giác để vừa làm tháp canh
rừng vừa là đài vọng cảnh của du khách. Thế nhưng giờ đây Hải Vọng Đài
đã biến thành một ngôi chùa.

Ngay trước cửa ngôi nhà xuất hiện đôi ngựa đá lớn cùng tượng hộ pháp
đứng chầu hai bên. Bên trong, cầu thang dẫn lên tầng hai đã bị đập bỏ
và trở thành điện thờ.

Trên các bức tường treo rất nhiều bức ảnh với nhiều nội dung liên quan
đến việc cho rằng Phật từng xuất hiện ở vườn quốc gia này. Trong đó có
những bức ảnh chụp đám mây trắng, dưới ghi hàng chữ: “Mây hiện Quan Âm tại đỉnh thiêng Bạch Mã vào lúc 11g31 ngày lễ vía Đức Quan Âm 19-6-2007 âm lịch (1-8-2007)”. Một bức ảnh khác chụp một quầng ánh sáng trên một đám mây đen, dưới ghi hàng chữ “Quan Âm hóa rồng tại đỉnh thiêng Bạch Mã vào lúc 9g29 ngày Tết Đoan ngọ 5-5-2008 âm lịch”...

Thầy An (còn gọi là thầy Chơn Tâm), người đang giữ chùa, cho biết ngôi
chùa này do sư thầy Hải Hòa - chủ một ngôi chùa ở ngoài Bắc - vào đầu
tư. Việc đặt tượng Phật bắt đầu từ năm 2008, đến năm 2009 thì làm lễ và
đúc chuông ngay tại chỗ.

Thầy An nói quy mô lớn lắm, đây mới chỉ giai đoạn đầu, không biết lúc
nào mới xây xong. Thầy An cũng nói sắp tới sẽ sửa lại một số kiến trúc
biệt thự cũ của người Pháp để làm nơi tu tập, tránh sự ồn ào vì vài năm
sau khách khứa sẽ kéo lên ồ ạt.

Trả lời về việc biến Bạch Mã thành “non thiêng” và biến Hải Vọng Đài
thành chùa, ông Huỳnh Văn Kéo nói: “Sự việc bắt đầu từ khi một đoàn
trong giới khoa học lên Bạch Mã thì bỗng dưng xuất hiện hình ảnh Phật
Bà Quan Âm hiển linh. Về mặt tâm linh, tôi không dám bình luận bởi vì
bây giờ người ta có những ngưỡng vọng như thế. Thời gian ghi trên các
tấm ảnh là lúc các nhà ngoại cảm có thêm các sư thầy đi lên Bạch Mã,
đúng ngày vía Quan Âm”.

* Thưa ông, những hiện tượng tự nhiên như đám mây tạo hình, cầu
vồng... mà nói là Phật xuất hiện, Phật phóng linh quang trên Bạch Mã
liệu có quá gượng ép hay không?


- Cái đó tôi không bình luận được, vì tôi nói ở góc độ là nhà khoa
học. Tôi có thể chụp ảnh, ghép hình được. Nếu người nào tạo dựng chuyện
đó thì người đó mang tội... Từ xưa, chùa Linh Mụ đã được dựng lên câu
chuyện huyền thoại như thế, mình không biết thật hay giả nhưng vấn đề
quan trọng là nó đi vào lòng người.

* Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan chủ quản của các
vườn quốc gia) có cho phép xây chùa trong vườn quốc gia Bạch Mã không?


- Việc này là nhạy cảm, cũng không ai có quyết định. Bộ chưa cho phép,
vì những cái đó hình thành một cách tự phát và ở trên một phạm vi nhỏ.
Thật ra khi đúc chuông hoặc hô thần nhập tượng thì đều có ý kiến cả,
nhưng là ý kiến không bằng văn bản. Các anh lãnh đạo cũng có lên (thăm
chùa ở trên núi Bạch Mã - PV), nên có những cái không cho cũng giống
như cho.

TS Phạm Khắc Liệu (trưởng khoa môi trường - Trường ĐH Khoa học Huế):
Không nên ồ ạt đưa khách lên Bạch Mã
Việc nổ mìn phá đá trong vườn quốc gia chắc chắn sẽ làm xáo động
không gian sống của các loài động vật hoang dã vốn rất nhạy với những
tiếng ồn. Việc mở rộng không gian du lịch ở vườn quốc gia Bạch Mã cũng
không nên.

Trước đây, khi nghe nói đến dự án mở rộng đường lên Bạch Mã, tôi có
cảm giác làm hơi quá. Theo tôi, chỉ nên sửa chữa những đoạn đường hư
hỏng, đoạn nào nguy hiểm thì mở rộng cho an toàn hơn. Nếu mở rộng đường,
xe cộ và du khách sẽ lên nhiều, tiếng ồn nhiều hơn và chất thải nhiều
hơn, điều đó làm xáo động không gian sống của các loài sinh vật.

Vườn quốc gia Bạch Mã có giá trị sinh thái và bảo tồn cao hơn rất
nhiều so với một số khu bảo tồn thiên nhiên khác. Cho nên đối với một
số khu bảo tồn khác, người ta có thể gia tăng khai thác du lịch, còn ở
Bạch Mã chỉ nên nâng cao giá trị và khai thác du lịch theo chiều sâu hơn
là mở rộng ồ ạt lượng khách.


Như thế vừa bảo đảm được chức năng bảo tồn của vườn quốc gia vừa khai thác được giá trị du lịch một cách hợp lý.

Vài nét về vườn quốc gia Bạch Mã
Năm 1932, Bạch Mã được kỹ sư M.Girard (Pháp) phát hiện và người Pháp
đã biến nơi đây thành khu vực nghỉ dưỡng với hệ thống 139 biệt thự,
khách sạn, bể bơi, đường giao thông... Từ năm 1954, Bạch Mã bị quên lãng
cho đến năm 1960, chính quyền chế độ cũ thành lập Lâm viên quốc gia
Bạch Mã - Hải Vân. Năm 1986, rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được xây dựng và
đến năm 1991 vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập. Ban đầu vườn có
diện tích 22.031ha, đến đầu năm 2008 được mở rộng lên 37.487ha thuộc
địa phận hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Bạch Mã nằm cuối dãy Trường Sơn Bắc và là trung tâm của dãy rừng xanh
tự nhiên còn lại duy nhất của VN kéo dài từ biển Đông đến biên giới
Việt - Lào, được công nhận là một trong những trung tâm đa dạng sinh
học của khu vực Đông Dương. Đến nay, Bạch Mã được ghi nhận có 1.493
loài động vật và 2.147 loài thực vật, trong đó có 68 loài động vật và
86 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào Sách đỏ VN.

Thái Lộc /TTO