Phát triển lâm sản ngoài gỗ: Một hướng đi cho xoá đói giảm nghèo
Trong thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng như các báo, đài phát thanh, truyền hình có nhiều chương trình đưa tin về nhiều cá nhân rất thành công trong việc nuôi trồng nhiều loại cây, con “lạ” cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi heo rừng, hươu sao, cá sấu, kỳ đà, nhím và gần đây là chồn hương… về thực vật chủ yếu là các loại song mây, tre (lấy cây và lầy măng), cây thuốc… nhiều người thoát nghèo, nhiều người đã làm giàu bằng những hướng đi mới này. Hầu hết các loại cây non nói trên đều có tên gọi chung là lâm sản ngoài gỗ (LSNG).
Nhận biết được tầm quan trọng của nó, đề án cấp Nhà nước về Bảo tồn và phát triển LSNG đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 17/8/2006 làm cơ sở để triển khai rộng rãi trong nhân dân…
Tài nguyên lâm sản ngoài gỗ bao gồm các nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ rừng, như song mây, tre nứa, cây thuốc, dầu nhựa, cây ăn được, ta nanh, thuốc nhuộm và các sản phẩm từ động vật hoang dã… rất phong phú và đa dạng với gần 4.000 loài trong đó có khoảng 40 loài tre nứa, 40 loài song mây, 600 loài cây có chứa ta nanh, 260 loài cho dầu và nhựa, 160 loài chứa tinh dầu, 76 loài chứa chất thơm, 93 loài cho chất màu, 1.498 loài cho các dược phẩm và hàng trăm loài cho thức ăn…
Có nhiều cách phân loại LSNG, dựa trên công dụng, chúng ta có thể phân chia LSNG vào 6 nhóm như sau:
- Nhóm 1: Sản phẩm cây có sợi: song mây, tre nứa, các loại thân lá có sợi khác.
- Nhóm 2: Thực phẩm:
a/ Những loại có nguồn gốc thực vật: lá, thân, chồi, rễ, củ, quả, nấm… có thể làm thực phẩm.
b/ Những loại có nguồn gốc động vật: mật ong, thịt thú rừng, cá, tổ yến, các loài côn trùng ăn được.
- Nhóm 3: Dược liệu và các loại chất thơm
- Nhóm 4: Những sản phẩm chiết xuất: nhựa, ta nanh, chất màu, dầu và tinh dầu.
- Nhóm 5: Những sản phẩm từ động vật rừng không dùng làm thực phẩm như các loại thú rừng, chim, côn trùng sống, da, sừng, ngà, xương, cánh kiến đỏ…
- Nhóm 6: Những sản phẩm khác như cây cảnh, phong lan…
Hầu hết mọi người đều thừa nhận LSNG như một yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi. Hơn 150 sản phẩm LSNG được kinh doanh trên thị trường thế giới bao gồm mây, tre, mật ong, nấm, hạt dẻ, tinh dầu và thực vật, một phần sản phẩm từ động vật. Hiện trên thế giới có hàng triệu hộ gia đình phụ thuộc vào LSNG, 80% dân số ở các nước phát triển sử dụng LSNG phục vụ các nhu cầu về dinh dưỡng và sức khoẻ. Ở Việt Nam lâm sản ngoài gỗ là một trong những nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ gia đình; gây trồng LSNG trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc thu hái mang lại nguồn thu trung bình chiếm từ 10 – 20% trong thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên việc phát triển lâm sản ngoài gỗ còn chưa được rộng khắp và mạnh mẽ như mong muốn.
Việc bảo vệ và khai thác tài nguyên LSNG trong thiên nhiên còn gặp nhiều khó khăn như: phân tán, trữ lượng thấp, khó thành hàng hoá, chưa có quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu về LSNG nên việc cung cấp nguyên liệu còn bị động. Năng suất và sản lượng thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, thiếu cơ quan quản lý thống nhất.
Bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia với mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 800 triệu đô la/năm, mang lại công ăn việc làm cho trên 1,5 triệu người lao động. Hiện công tác phát triển lâm sản ngoài gỗ đang gặp khó khăn do rừng đã bị tàn phá nhiều, cây tác gây nuôi còn chưa phát triển rộng rãi, nhận thức của người dân chưa chuyển biến mạnh…
Lâm sản ngoài gỗ đóng một vai trò quan trọng trong sinh kế của người nghèo ở nông thôn, là nguồn lương thực, thuốc men, vật liệu xây dựng, và thu nhập. Tiếp cận với tài nguyên rừng giúp các hộ nông thôn đa dạng hoá sinh kế của họ và giảm khả năng hứng chịu rủi ro. Thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ thường rất quan trọng vì nó bổ sung vào thu nhập khác. Rất nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập từ việc bán LSNG, thường khi việc sản xuất nông nghiệp không đủ trang trải cho cuộc sống.
Trong khi mọi người ngày một coi trọng LSNG đối với các hộ nông thôn, đặc biệt là các hộ rất nghèo, thì lại có những băn khoăn lo lắng về những tác động tiềm ẩn của việc thu hoạch LSNG đối với đa dạng sinh học. Một số câu hỏi khắt khe thường được đặt ra là: trong những điều kiện nào thì LSNG, cả động vật và thực vật, có thể được thu hoạch một cách bền vững? Liệu sản xuất SLNG trong trang trại có thể cải thiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học không? Liệu thương mại hoá LSNG có dẫn đến việc khai thác quá mức không? Cần những gì để thị trường có tính vì người nghèo? Liệu những cố gắng phát triển LSNG để xoá đói giảm nghèo có thực sự đến được với những người nghèo nhất trong số những người nghèo? Những cố gắng đó tác động đến bảo tồn đa dạng sinh học tới mức độ nào?
Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào có thể đáp ứng được cả 2 tiêu chí: Vì người nghèo và vì đa dạng sinh học, và tìm ra đâu là những hướng đi phù hợp với trình độ canh tác, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương để đạt tới thành công.
Muốn đạt cả hai mục tiêu nêu trên, trước hết cần có nhiều chương trình để tuyên truyền quảng bá về lâm sản ngoài gỗ, để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về giá trị bảo tồn, giá trị sử dụng của một số cây con LSNG. Tổ chức những mô hình nuôi trồng những loại thú có khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi trong gia đình, nhiều loại cây, trong đó chú trọng các cây có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, các loại cây thuốc bản địa… Sử dụng các dược thảo có nguồn gốc từ tự nhiên là xu thế phát triển của xã hội, thông qua mô hình này, người dân nhận thức được giá trị của cây LSNG và thay đổi hành vi trong quá trình bảo tồn ở địa phương mình. Song song với việc phát triển các loài cây LSNG trồng tại vườn nhà và vườn rừng dự án còn tiếp tục hỗ trợ cho người dân được đi tham quan và học tập các quy trình sản xuất cây con giống để chủ động trong việc cung cấp giống cho địa phương.
Tận dụng đất đai đầu thừa đuôi thẹo, công lao động nhàn rỗi ở nông thôn để nâng cao thu nhập gia đình, từng bước tiến tới có hàng hoá dành cho xuất khẩu là hướng đi của chương trình quốc gia về bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ tại Việt Nam. Một điều cũng cần phải đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật hiện hành: luật bảo vệ và phát triển rừng, luật môi trường, luật đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, việc đưa chương trình phát triển LSNG vào chương trình hành động của Hội Nông dân, Hội LH Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Đông Y, Hội Người cao tuổi… là hết sức cần thiết, việc nâng cao nhận thức cũng cần triển khai đến các trường học, các em học sinh.
Cần phải gắn kết chương trình phát triển LSNG vào tổng thể các chương trình phát triển nông thôn mới, phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó xây dựng các dự án, kế hoạch chương trình đồng bộ xây dựng một nền nông nghiệp mới phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các yếu tố khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo nên một nền nông nghiệp bền vững.
Ở Tây Ninh, hiện nay có nhiều mô hình nuôi heo rừng, nhím, kỳ đà, cá sấu… trồng nhiều loại cây thuốc như kim tiền thảo, tre lấy măng, mây, tre trúc các loại… đã có kết quả khả quan.
Trong tương lai gần, cần phải có nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng các mô hình phát triển LSNG có triển vọng tại Tây Ninh, đặc biệt là các xã thuộc vùng đệm của VQG Lò Gò – Xa Mát thông qua kinh phí hàng năm của Sở Khoa học Công nghệ