Dù ở miền đồi trọc ở trung du phía bắc, miền cát bị sa mạc hóa ở Hà Tĩnh, hay vùng ngập nước ven biển Thừa Thiên Huế..., trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt do hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra đến mức nào, vẫn có những loài cây thích hợp với vùng đất ấy để ứng phó với những biến đổi đó.
Cọc rào - cây phục hồi sinh thái đồi trọcPGS.TS Đào Châu Thu, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên đất và Môi trường, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết, cây cọc rào (tên khoa học là Jatropha Curcas), là cây bản địa, mọc từ Bắc đến Nam. Quả của cây này có thể ép thành dầu thay xăng, than đá và nhiều loại năng lượng hóa thạch khác.
Theo bà Thu, những thử nghiệm nghiên cứu bước đầu cho thấy đây là loại cây có thể trồng trên vùng đất đồi, đất hoang hóa. Nếu được bón phân hữu cơ và tưới nước đầy đủ trong hai năm đầu, cây có thể sống và cho thu hoạch từ 30-40 năm. PGS Đào Châu Thu cho rằng, tác động của Jatropha đối với môi trường sinh thái của vùng đồi núi là rất lớn. Cây cọc rào có thể được nhân rộng khắp các vùng đồi núi Việt Nam.
Dự án “Trồng cây Jatropha Curcas” vừa đoạt giải Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010. Với số tiền giải thưởng, PGS Đào Châu Thu cùng các cộng sự dự định sẽ triển khai ngay vùng nguyên liệu cây cọc rào tại Tam Nông, Phú Thọ. Dự án sẽ chọn 3 ha đồi của ba xã Dậu dương, Dị Nậu, Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trồng cây thí điểm.
Các hộ dân tại đây sẽ được hướng dẫn cách trồng cây đạt năng suất cao và chất lượng hạt tốt nhất trên những vùng đất xấu, nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc hay các vùng trơ cằn sỏi đá, không loại cây gì mọc được.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chuẩn bị mở rộng vùng nguyên liệu ở khu vực phía Bắc như Sơn La, Phú Thọ (Ba Vì) Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa.
Cây xương rồng Nopal chống sa mạc hóaMỗi năm Việt Nam mất đi 20 ha đất nông nghiệp do nạn cát bay, cát nhảy bởi sa mạc hóa. Vùng bị sa mạc hóa nghiêm trọng nhất là ở miền trung. Xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà là một trong những xã điển hình cho sa mạc hóa ở Hà Tĩnh. Trong tổng số 1.173 ha diện tích đất tự nhiên của xã thì diện tích đất cồn cát, bãi cát hoang hóa chiếm 550 ha, gần 47%. Hiện nay, diện tích đất này vẫn còn bỏ hoang hóa và chưa có một giống cây nào phù hợp.
Mô tả ảnh.
Cây xương rồng Nopal được trồng thử tại miền trung.
Thạc sĩ Trần Hậu Khanh, Hội Vì cuộc sống bền vững Hà Tĩnh đã nảy sinh ý tưởng trồng cây xương rồng Nopal trên vùng đất bị hoang hóa này. Và dự án “Trồng thử nghiệm cây xương rồng Nopal” tại vùng cát ven biển xã Thạch Hải của anh đã được Ngân hàng Thế giới trao giải Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010.
Theo anh Khanh, xương rồng Nopal là loại cây có tính thích ứng rộng, có khả năng chịu nóng, chịu hạn cao, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khô cằn, ít mưa, nhiệt độ cao, có tác dụng che phủ, cải tạo, bảo vệ đất, hạn chế sự sa mạc và có khả năng cung cấp lượng thức ăn tươi, khô lớn cho con người củng như gia súc trong mùa khô hạn.
Nopal có thể làm rau xanh và chế biến ra các loại thực phẩm khô, dưa muối và các thức ăn chức năng. Quả Nopal có thể sử dụng ăn tươi hoặc dùng làm màu thực phẩm cho công nghệ chế biến thực phẩm. Nopal được dùng làm dược liệu phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh tim, rối loạn tiêu hóa, béo phì, dùng làm nguyên liệu chế biến các loại mỹ phẩm và rượu bia,... Thân, nhánh lá Nopal được sử dụng làm thức ăn tươi, chế biến thức ăn trực tiếp và thức ăn bổ sung cho gia súc như bò, cừu, dê ...
Những người thực hiện dự án sẽ tổ chức 10 cuộc tập huấn giúp 85% người dân tiếp thu được kỹ thuật trồng cây. Họ sẽ trồng 1,5 ha cây Nopal tập trung tại bãi cát hoang hóa và 0,5 ha được trồng trong vườn 40 hộ dân. Dự án cũng sẽ xây dụng một quy trình kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cây Nopal.
Hiện nay Hà Tĩnh còn hơn 13.500 ha đất đang bị hoang hóa, chiếm hơn 18% diện tích đất của toàn tỉnh. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra loài cây nào thích hợp cho những vùng đất này, và thạc sĩ Trần Hậu Khanh đã mạnh dạn làm điều đó. “Đề án được triển khai là tiền đề cho chúng tôi xin nguồn tài trợ từ tỉnh nhà để nhân rộng mô hình này trong những năm tiếp theo” anh Khanh nói.
Di thực dừa nước từ Nam Bộ về ven biển miền trungDừa nước (Nypa fruticans) là loài duy nhất trong họ Cau (Arecaceae) sinh sống trong đầm lầy. Cây thường mọc ở những vùng đầm lầy ngập mặn, phù sa, nhiễm phèn, ven sông rạch có thủy triều lên xuống. Cây dừa nước mọc rất nhiều ở đồng bằng Nam Bộ, có nơi phát triển thành rừng tự nhiên.
Mô tả ảnh.
Cây dừa nước ở ven biển Nam Bộ
Trái dừa nước có cùi dầy, màu trắng đục, có vị hơi ngọt và rất béo, có thể ăn tươi, nấu chè. Lá dừa nước được dùng nhiều nhất vào việc chầm lá để lợp nhà, làm rổ rá, rất phổ thông ở những vùng Nam Bộ Việt Nam và nhiều địa phương của các nước lân cận. Bập dừa nước dùng để chẻ lạt, gọi là lạt dừa. Nó còn là loại phao nổi tự nhiên dùng để vượt sông. Nhưng quan trọng nhất là nhựa dừa, được dùng để uống và chế biến thành đường, cồn, rượu, dấm, nước giải khát, bánh kẹo.
Tại Quảng Nam, địa phương gần với Thừa Thiên Huế, hơn 2/3 số hộ dân của xã Cẩm Thanh sống dựa vào cây dừa nước. Dừa nước mọc trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, hay vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng. Nếu để tự nhiên, dừa nước sẽ phát tán sinh sôi nảy nở theo sự đưa đẩy của thủy lưu. Chính vì vậy, cây Dừa nước có vai trò rất quan trọng trong việc cố định phù sa lấn biển và là lá chắn phòng hộ an toàn nhằm chống lại tác động của nước biển dâng.
Với đề án Di thực và phát triển cây Dừa nước tại vùng đất ngập nước ven biển Thừa Thiên - Huế vừa đoạt giải, các nhà khoa học đã đặt ra mục tiêu đưa được dừa nước về trồng tại đây.
Thạc sĩ Lê Thị Diên, giảng viên bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Khoa Lâm nghiệp của trường ĐH Nông lâm Huế cho biết, họ sẽ lấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng dừa nước tại Quảng Nam để lôi kéo người dân tự giác phát triển loài dừa nước như một nghề chính tạo sinh kế cho gia đình họ.
Ngoài ra, việc tuyên truyền phát triển cây dừa nước vì mục đích chống lại tác động của nước biển dâng cao, chống xói mòn bờ biển, phòng hộ chắn gió, cải thiện điều kiện nuôi trồng thủy, hải sản, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học... sẽ giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của dải rừng phòng hộ ven biển như một tấm lá chắn giúp họ yên tâm trước sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và giúp họ phát triển kinh tế.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là sản xuất được ít nhất 7.500 cây giống từ hạt đủ tiêu chuẩn, xây dựng được 3ha mô hình gây trồng thâm canh giống dừa nước đã được lựa chọn tại vùng đất ngập nước ven biển Thừa Thiên Huế.
Thạc sĩ Lê Thị Diên cho biết, nhóm đã tổ chức đi tham quan và dự định lấy nguồn giống từ vùng Đông Nam bộ và xã Tân Thanh, tỉnh Quảng Nam về gây trồng tại Thừa Thiên Huế. Họ hy vọng cây dừa nước sẽ phát triển tốt ở ven biển miền trung nắng gió này.
*
Theo Vietnamnet