Gáo vàng - vị khách tốt bụng không mờiGáo vàng có tên tiếng Anh là Yellow cheesewood hoặc Leichhardt tree, tên khoa học là
Nauclea orientalis, thuộc họ Cà-phê - Rubiaceae; là một loài cây gỗ thường xanh, có chiều cao trung bình 7-16 m, nhiều trường hợp cây cũng có thể cao đến 30 m, đường kính thân có thể lên tới 1 m. Lá rộng, hình bầu dục đến trứng xoan, dài 11-25 cm, rộng 6-17 cm; màu đỏ nâu khi non, xanh sẫm và bóng loáng khi già. Lá kèm lớn hình trứng xoan, úp vào nhau ở đầu cành trông rất đẹp. Cụm hoa hình đầu tròn đường kính khoảng 3-5 cm, mang rất nhiều hoa màu vàng hoặc vàng da cam. Quả thuộc dạng quả phức nạt chứa nhiều hạt nhỏ, mỗi hạt lớn khoảng 1,5 x 2,0 mm.
Đây là loài cây đặc hữu của vùng Đông Nam Á, phân bố tự nhiên ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Australia, vì thế trong tên khoa học có tính ngữ
orientalis (ở phương Đông).
Ở Việt Nam , chúng được tìm thấy ở độ cao từ 0 - 500 m trên hầu khắp cả 3 miền. Ở những khu rừng thứ sinh, chúng thường mọc ở những triền núi ẩm, ven khe suối. Cây ra hoa vào mùa xuân, đến mùa hè quả chín rơi rụng phát tán theo dòng nước, tấp vào các bãi bồi ven sông, từ thượng nguồn đến vùng hạ lưu, tái sinh thành những quần thể lớn nhỏ hoặc thành từng cá thể đơn lẻ sống rải rác hai bên bờ các dòng sông, có khi đến cả vùng nước lợ. Quả gáo vàng là thức ăn ngon miệng của chim và dơi, nên nhiều trường hợp nó được gieo vãi ngẫu nhiên ở những đỉa điểm xa bờ sông. Do vậy, thỉnh thoảng chúng ta có thể gặp cây gáo vàng trên vỉa hè đường phố, trong vườn nhà, sân vườn công sở, khuôn viên đình chùa. Quả chín vào mùa hè, gặp những cơn mưa rào hoặc những cơn lũ bất thường do ảnh hưởng của bão, cũng là điều kiện cho quả mở rộng địa bàn tái sinh. Sau đó, với điều kiện đất ẩm, nhiệt độ cao, hạt nảy mầm mạnh để tạo ra cây con trên những cư trường bất định.
Ở thành phố Huế, cây gáo vàng mọc tự nhiên rất nhiều dọc hai bờ sông Hương và cả một vài đường phố. Bãi bồi dọc công viên Phú Xuân, đoạn từ Nghinh Lương Đình lên đến Bến Me, có cả một quần thể dày đặc gáo vàng và gáo tàu (
Anthocephalus sinensis) mọc tự nhiên như một rẻo rừng. Vào những ngày hè, ở đây thường là nơi quy tụ nhiều người đến hóng mát. Bãi bồi bờ sông Hương, đoạn từ cầu Gia Hội đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng xuất hiện khá nhiều cây gáo vàng và gáo tàu. Trên vỉa hè đường Chi Lăng (gần chợ Bến Đò Cồn), Lê Lợi, gần khách sạn Century... cũng có cây gáo chen chân với những loài cây bóng mát khác. Nhiều cán bộ, công nhân của Trung tâm Công viên Cây xanh Huế gọi chúng là quao. Cách gọi này là một sự nhầm lẫn không đáng có, vì khi tra cứu dễ nhầm với các loài quao trong họ Quao (Bignoniaceae).
Gáo vàng là một loài cây xanh đa tác dụng. Nó có cành nhánh mọc chếch ngang khiến tán lá tỏa rộng, khả năng che bóng tốt; hình thái cây, lá, hoa đều bắt mắt, nên được xem là loài cây xanh có giá trị tạo bóng và tôn tạo cảnh quan. Ngoài ra, gáo vàng là loài cho gỗ nhẹ, màu gỗ sáng, dễ gia công, thường được dùng làm đồ gia dụng, xây dựng, làm nguyên liệu giấy... Ở Huế, nhiều cơ sở mộc mỹ nghệ dùng gỗ gáo vàng để đóng tủ thờ, nhái tủ mít. Nhiều cơ quan, bộ phận của gáo vàng còn được dùng trong y học: Lá được dùng trị mụt nhọt và ung bướu; Vỏ được sắc lấy nước trị tiêu chảy và đau răng, dùng như một thành phần dược dụng để kiểm soát sinh đẻ; Quả được dùng trị ho, cảm lạnh, đau dạ dày và tiêu chảy, thổ dân vùng Bắc Queensland dùng quả gáo vàng để ép lấy nước làm thức uống cho trẻ con; Hoa là nguồn mật và phấn hấp dẫn nhiều loài ong... Gáo là cây mọc nhanh rất thích hợp cho việc trồng rừng nguyên liệu.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy chất naucleaorine và dẫn xuất của nó được chiết xuất từ cây gáo vàng trị được bệnh sốt rét; một số alcaloid ở vỏ cây gáo vàng có khả năng trị được ung thư biểu mô bọng nước tiểu ở người.
Theo tôi, đây là một nguồn gen bản địa quý, cần được bảo tồn và phát triển trong chương trình quy hoạch cây xanh đô thị và trồng rừng kinh tế.
Đỗ Xuân Cẩm