Hậu... tình yêu sinh viên
Hậu... tình yêu sinh viên
TT- – TTO - Nhân Tuổi Trẻ Online mở ra diễn đàn “Quan hệ tình dục
tuổi SV: sớm không?”, là giảng viên, tôi xin nhắc lại vài kỷ niệm buồn
như cách chia sẻ với các bạn sinh viên của tôi…
>> Quan hệ tình dục cũng là cách chứng tỏ tình yêu? >>
Gần 40% nam sinh viên đã quan hệ tình dục
1. Trước Tết âm lịch năm 2007, A. - một nữ sinh viên trong lớp tôi
chủ nhiệm - hỏi tôi: “Nhà cô có quần áo cũ không? Nếu có cho nhóm em xin
để chuyển về quê tặng bà con nghèo vui tết”.
Ba ngày sau, tôi hẹn A. sang nhà chuyển giùm mấy thùng đồ tôi gom
thêm được từ các nhà hàng xóm. Thấy em bé nhỏ trên chiếc xe máy với
thùng đồ cồng kềnh, tôi cứ hỏi đi hỏi lại: “Em chở nổi không?”. Em cười
tươi tắn: “Không sao đâu cô, em có học võ mà, mấy việc này không sao
đâu!”.
Qua tết, sinh viên năm tư bắt đầu thi cuốn chiếu các môn vừa kết
thúc. Tôi đi ngang qua A. trong phòng thi, ngỡ ngàng sợ mình nhìn nhầm.
“Cô bé của tôi” đang ngồi cắm cúi làm bài thi, chiếc đầm bầu lụng thụng,
cái cổ nhỏ nhắn xanh xao, nghiêng nghiêng mấy sợi tóc mai…
Ngày thi tốt nghiệp, bụng A. đã to lắm rồi. Ngồi trong phòng thi em
cứ uống nước liên tục, mồ hôi tươm đầy trán, ngồi làm bài mà bàn tay em
cứ thỉnh thoảng chặn lên bụng. Tôi chỉ có thể nói nhỏ khi phát thêm giấy
cho em: “Hai mẹ con phải cố lên!”.
Nhưng A. rớt tốt nghiệp vì thiếu điểm môn cơ sở. Một tháng trước
ngày khoa tổ chức thi tốt nghiệp lần hai, ở quê A. gọi điện gặp tôi thầm
thì: “Đôi khi em căng thẳng, mệt mỏi và bế tắc! Em thương chồng thương
con em thiệt, nhưng hết ngày này đến ngày kia, nhắm mắt lại mở mắt ra
chỉ thấy sữa và tã lót!…”.
Em nói sẽ vượt qua, hiện đang tập trung ôn bài trong khi em bé ngủ.
Em hứa sẽ ráng lấy được tấm bằng. Tôi chỉ có thể an ủi em là thời gian
sẽ qua mau. Rằng thời gian của em và các bạn cùng khóa đang không trùng
nhau: em thì nuôi con nhỏ, bạn bè bắt đầu đi làm; rồi sẽ đến lúc điều ấy
đảo ngược; khi ấy em khỏe hơn mọi người vì con đã lớn rồi… Nói vậy
nhưng tôi vẫn nghe tiếng A. nghẹn ngào.
Vào ngày thi tốt nghiệp lần hai năm đó, tôi không tìm thấy em trong
số sinh viên dự thi. Cũng may đến năm kia A. đã lấy được bằng sau nhiều
lần thi liên tiếp!
2. Từ trường hợp của A, tôi nhớ một trường hợp của lớp tôi vào năm
cuối đại học. Năm 2001, ngày 8-3, D., một bạn trai cùng lớp, ghé nhà trọ
của tôi để đưa thiệp. Thoạt đầu tôi tưởng là thiệp mừng Ngày quốc tế
phụ nữ, nhưng khi cầm trên tay mới hay là thiệp cưới của bạn. D. sẽ là
chú rể mà thấy mặt cứ rầu rầu. Vợ D. cũng học cùng khóa. Cả hai cưới gấp
vì em bé đã hình thành được năm tháng.
Đợt khoa tổ chức thi tốt nghiệp cũng là dịp vợ D. sinh, chỉ có D. đi
thi. Sau lễ tốt nghiệp, tôi cùng vài bạn khác đến thăm vợ chồng D. Vợ
D. nhàu nhĩ, buồn phiền kể: D. cả ngày chẳng nói chẳng rằng, giao hết
việc nhà cho vợ, đi làm từ sáng tới tối… Hôm nọ tôi gặp lại D, biết bạn
đã có thêm bé thứ hai, cảnh nhà có vui hơn nhưng vợ D. vẫn chưa lấy được
bằng tốt nghiệp.
3. K. cũng là người bạn cùng khóa của tôi. Suốt hai năm đại cương
tôi rất ngưỡng mộ K. Bạn luôn hớt tóc ngắn kiểu con trai, tính cách mạnh
mẽ, dáng cao ráo. K đẹp lắm! Sau khi phân ngành, K. và tôi vào hai
ngành khác nhau. Tôi cũng ít gặp K., trừ những lần thấy nhau ở sân
trường.
Ra trường tôi được giữ lại làm việc. Lần coi thi tốt nghiệp đầu tiên
của tôi là vào năm 2002. Tôi bất ngờ khi gặp lại K. giữa phòng thi.
Bạn thi lại cả hai môn tốt nghiệp. Vẫn gương mặt ấy, vẫn nụ cười ấy…
nhưng bạn tôi đang mang bầu gần đến ngày sinh. K. làm bài rất nhanh,
luôn ra trước các sinh viên khác. Năm đó K. đậu tốt nghiệp với điểm số
trung bình.
>> Vợ chồng sinh viên
4. Cuối năm 2008 trên Tuổi Trẻ đăng bài báo “Vợ chồng sinh viên”.
Trong lời dẫn tác giả có kể về trường hợp của B., sinh viên một ngành
khoa học xã hội, dù có bầu khi bước vào kỳ thực tập, gặp nhiều khó khăn
nhưng B. vẫn thực tập đạt kết quả tốt.
Tôi cũng đã dạy ở lớp của B. Khi tôi kết thúc môn học, B. đã viết
cho tôi thế này: “Kỳ thực tập vừa qua với em là một khó khăn lớn. Em vừa
thực tập vừa có em bé. Em đã lập gia đình và em đã quyết định có con
ngay trong thời điểm này. Tháng đầu kỳ thực tập đối với em là một khó
khăn lớn. Tuy nhiên, em đã vượt qua được… Em biết việc học với mình sẽ
rất khó khăn. Đặc biệt, khi có em bé càng khó khăn hơn… Cho nên dù biết
là phía trước còn nhiều khó khăn nhưng em sẽ cố gắng. Em không muốn bỏ
nghề! Điều quan trọng hơn em muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng dù
có chồng khi đi học, em vẫn sẽ học tốt…”.
Đọc lời tâm sự B. viết, tôi thấy B. dùng với mật độ dày đặc từ “khó
khăn”. Người trong cuộc sẽ thấy rõ hơn ai hết những khó khăn mình sẽ đối
mặt. Trước mắt, B. và các bạn cùng khóa sẽ là kỳ thi tốt nghiệp. Các
bạn sinh viên bình thường muốn “vượt vũ môn” đã vất vả, các bạn nữ có
hoàn cảnh như B. lại càng vất vả hơn. Làm sao giữa những chấp nhặt bình
thường của đời sống hôn nhân, giữa những tã lót, bình sữa, những cơn ho,
khóc, thức trắng đêm… của em bé, người mẹ trẻ vẫn đủ tỉnh táo để học
hành?! Khó lắm!
Nhưng B. đã vượt qua được những khó khăn của kỳ thực tập và sau nữa
là kỳ thi tốt nghiệp… Tôi dõi theo và mừng cùng em!
5. Gần 10 năm đứng lớp, ở nhiều trường, nhiều ngành liên quan tới
KHXH, ngoài các trường hợp như trên, tôi ngày càng gặp nhiều bạn nữ mang
“ba lô ngược” khi đến lớp. Thầy cô riết không còn lạ nữa, các bạn đồng
môn cũng không còn lạ nữa, chỉ còn lại sự cảm thông và chia sẻ thật
nhiều. Tôi luôn có sự ưu tiên, thậm chí hỗ trợ về điểm số một số trường
hợp đặc biệt. Nhưng tôi luôn thật buồn…
6. Đầu năm 2008 cả thế giới xúc động về bộ phim “Juno”. Bộ phim về
một cô gái 16 tuổi, có thai nhưng chấp nhận mang thai, trong thời gian
chờ sinh nở cô tìm bố mẹ nuôi cho đứa bé trong bụng mình.
Ấn tượng của tôi về bộ phim là cảnh Juno với cái bụng bầu to tướng,
đi ngược chiều với các bạn đồng trang lứa trong hành lang lớp học; là sự
bình tĩnh, dám chịu trách nhiệm của cô gái nhỏ ấy; là sự thông cảm và
hết lòng hỗ trợ của bạn bè, cha mẹ cô. Nếu không có những điều đó, sẽ
không có cảnh kết thúc phim, Juno ngồi đánh đàn trước hiên nhà, trở lại
với tuổi 16 của mình… Đó là trong phim, và ở Mỹ.
7. Quay lại những hậu… tình yêu sinh viên tôi đề cập, hầu hết các
bạn nam - nữ tôi biết đều chịu trách nhiệm với việc mình đã làm. Chịu
trách nhiệm theo kiểu Việt Nam. Nghĩa là có đám cưới, em bé ra đời và
cuộc sống cứ thế tiếp diễn.
Chỉ có những ngậm ngùi, ngổn ngang, chới với, hụt hẫng… là có thật.
Những điều đó thật không dễ gì khỏa lấp, không dễ gì lãng quên!
THÙY ĐOAN