Ứng dụng viễn thám và gis để nghiên cứu và quản lý tài nguyên thiên
nhiên và môi trường tại khu vực bờ biển và các đảo tại việt nam
Ứng dụng thông tin viễn thám và GIS trong nghiên cứu,
quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường
ở vùng ven biển và hải đảo
Phạm Quang Sơn1
Tóm tắt: Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km, có vùng đặc quyền kinh tế biển rộng gấp 3 lần diện tích
lãnh thổ trên lục địa, vùng ven biển ở nước ta còn là nơi tập trung các khu dân cư lớn, các trung tâm kinh tế,
văn hoá, chính trị rất quan trọng.... lại thường xuyên chịu tác động xấu do các tai biến thiên nhiên gây ra như
xói lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch cửa sông, biến đổi lòng dẫn, nước dâng, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, biến
động các hệ sinh thái ven biển.... Vì vây nhu cầu sử dụng thông tin vệ tinh viễn thám trong nghiên cứu, quản
lý tổng hợp đới ven biển và hải đảo ngày càng cao. Trong khi Việt Nam chưa có hệ thống vệ tinh viễn thám
riêng, các tư liệu viễn thám đều do nước ngoài cung cấp. Các tư liệu viễn thám hiện nay rất đa dạng về chủng
loại và tính năng, do đó để khai thác sử dụng chúng có hiệu quả cần thiết có đầu tư chiều sâu cho trang thiết
bị khoa học và đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên môn cao có khả nămg làm chủ các công nghệ hiện đại.
1. Mở đầu
Ngày nay việc sử dụng thông tin vệ tinh viễn thám trong nghiên cứu, giám sát Trái Đất đã
trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Không kể đến
các loại vệ tinh quân sự, các vệ tinh định vị, các vệ tinh viễn thông... các hệ thống vệ tinh
thám sát (hay quan sát Trái Đất) đang hoạt động trên quỹ đạo rất đa dạng về chủng loại và
tính năng. Công nghệ khai thác thông tin vệ tinh đang thực sự phục vụ con người, mang lại
hiệu quả cao trong nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ, phục vụ đời sống, sản xuất và kiểm
soát tài nguyên - môi trường.