|
Vận chuyển giống cây hông. |
Tại hội nghị các nhà nông tiêu biểu của hơn hai mươi tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) vừa qua, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian phân tích hiệu quả kinh tế của cây Paulownia, mà người Việt Nam vẫn thường gọi là cây hông. Cây hông có giá bán rất cao trên thị trường thế giới, khoảng bảy trăm đến một nghìn USD một khối gỗ...
Các nhà khoa học đánh giá cao...
Là người con của rừng núi, nhưng đây là lần đầu tôi nghe tới loại cây này. Nói như GS Nguyễn Lân Hùng thì cây hông (Paulownia) là một thứ cây của thần tiên. Hễ đặt xuống đất là mọc, hễ trồng xuống đất là hái ra tiền. Cây trồng được hai năm đã cao mười bốn mét, đường kính thân cây gần non nửa mét và đã có thể khai thác làm bột giấy cao cấp, sản xuất giấy chất lượng cao để in tiền. Cây được tám năm đã cao tới hai mươi mét, đường kính thân cây tới gần một mét. Ðặc biệt, gỗ loại cây này rất cứng mà lại rất nhẹ, chịu được nhiệt độ tới 4000C. Cây hông không cháy, nên có thể trồng để ngăn cháy rừng. Gỗ cây hông rất dễ cưa, dễ cắt ngang xẻ dọc, vì thế dễ gia công, đẽo gọt, độ sáng vàng của gỗ mịn đẹp nên rất dễ nhuộm mầu. Do đặc điểm không cong vênh, gỗ cây hông được dùng sản xuất đồ trang trí nội thất cao cấp, đồ gia dụng, du thuyền, nội thất máy bay... Nói về ưu thế gỗ và giá trị kinh tế, các nhà khoa học cho rằng cây hông hơn hẳn pơ mu và "ăn đứt" nhiều loại cây hiện có trong rừng Việt Nam.
GS, TS Vũ Khánh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam là người đã bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu về cây hông. Theo ông, dân ta bây giờ chưa hiểu mấy về giá trị của loại cây này, nhưng ông hy vọng rồi họ sẽ hiểu và sẽ trồng nhiều rừng hông, họ sẽ giàu lên nhờ cây hông, cuộc sống của họ sẽ không còn khó khăn và thế là ông mãn nguyện.
Trên thực tế, nếu một ha đất trồng một nghìn sáu trăm cây hông, chỉ sau ba năm, chặt tỉa thưa một nghìn hai trăm cây đã thu hồi đủ cả vốn và lãi. Ngoài ra những cây này sẽ tự mọc chồi, lại cho thu hoạch tiếp và chỉ cần trồng lại sau mười hai năm. Số còn lại bốn trăm cây không tỉa sẽ để làm gỗ, sau chín năm chặt lấy gỗ sẽ thu được hai khối rưỡi mỗi cây. Tiền thu được sau chín năm cao gấp tám mươi mốt lần vốn ban đầu bỏ ra. Quả là loại cây đem lại nguồn lợi khổng lồ. Cây hông lại không kén đất, chỉ cần trồng lên đồi trọc mà đất xốp, không úng ngập là cây sẽ lớn như thổi. Cây hông lớn rất nhanh nên tạo rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc rất nhanh, hạn chế nạn lũ lụt. Hoa và quả của nó còn dùng để làm thuốc chữa bệnh hen. Lá có nhiều protein và vitamin, dùng làm thức ăn cho gia súc. Cây hông xen canh với các loại cây khác không ảnh hưởng đến năng suất, vẫn cho thu hoạch cao.
... và người dân hy vọng
Theo một số tài liệu thì Việt Nam cũng có một loài cây Paulownia, đó là Paulownia foruner. Chúng phân bố ở vùng độ cao 300 đến 1.000 m thuộc các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Cạn, Lạng Sơn... Trong dân gian, loại cây này được gọi là cây bao đồng, cây ngô đồng, cây hông.
Nhưng giống cây hông (Paulownia) mà chúng ta đang trồng bây giờ là do các nhà khoa học Australia lai tạo. Phải sau hơn hai trăm năm nghiên cứu họ mới tạo ra được giống cây rất quý giá này. Hiện nay cây Paulownia là loại cây có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cây lấy gỗ trên thế giới hiện có. Cây Paulownia đã được biết đến ở Trung Quốc hơn hai nghìn năm. Có hai mươi loài Paulownia đã được nhập vào Nhật Bản, Triều Tiên cách đây hơn một nghìn năm, vào châu Âu, Nam Mỹ, Australia từ thế kỷ 19. Loài cây này đã được trồng rất thành công ở New Zealand, Australia, Mỹ, Trung Quốc...
Ngay sau hội thảo, tôi đã tìm gặp bà Nguyễn Thị Thái, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thành, có địa chỉ tại 47/37 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh là công ty độc quyền chuyên sản xuất giống cây hông tại Việt Nam. Suốt tuần nay bà Nguyễn Thị Thái cùng mấy anh em cán bộ công ty của bà đem giống cây lên Buôn Ma Thuột dự hội chợ.
Bà Thái đưa tôi đến một khách sạn gần đó và cho tôi xem những cây non đựng trong những chiếc hòm gỗ còn mới nguyên. Theo bà, phải giữ gìn cẩn thận như vậy vì khi còn non cây hông rất mềm, dễ bị héo khi gặp nắng, dễ bị gãy khi vận chuyển. Bà bảo, muốn trồng được loại cây này thì phải biết thương yêu và nâng niu cây, nghĩa là phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Trong một vài lần khi hướng dẫn người dân các địa phương trồng loại cây này bà đã không khỏi ngạc nhiên khi được biết có người trồng cây nào lên cây ấy, nhưng có người trồng thì bị chết đến một nửa. Lỗi đó dứt khoát không phải do sai về kỹ thuật mà là do tình cảm của người trồng đối với cây...
Bà Thái cho biết, loại cây này đã được trồng thí điểm ở các tỉnh Ðác Lắc, Hòa Bình, Phú Thọ... Ở đâu cây cũng lên rất tốt nhưng đất đỏ ba-dan là hợp hơn cả. Hiện bà Thái có một vườn ươm cây hông ngay cạnh dòng sông Sài Gòn. Có lần thấy cả người dân Cam-pu-chia cũng đến mua giống cây từ vườn ươm của mình, bà đã tìm hiểu và sang tận nước bạn tham quan. Thì ra ở Cam-pu-chia đã có cả rừng Paulownia, vì họ đã trồng trước mình từ lâu, thân cây đã rất to.
Hiện cây hông (Paulownia) đã được bắt đầu biết đến ở Việt Nam. Nhiều gia đình nông dân ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía bắc đã tìm đến với loại cây này. Trong những ngày ở Buôn Ma Thuột tôi được cùng bà Nguyễn Thị Thái đi đến một số gia đình nông dân để xem họ trồng. Mỗi cây con ươm ở Việt Nam chỉ bán với giá bảy nghìn đồng, còn nếu mua từ Australia thì phải tới bảy đô-la Mỹ, tức là khoảng một trăm mười hai nghìn đồng. Bà Nguyễn Thị Thái còn mở video cho tôi xem một số bộ phim của nước ngoài nói về cây Paulownia. Loại cây này đúng là sẽ nhanh chóng giúp cho nông dân ta làm giàu, bởi nó rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nước ta.
Có lẽ chẳng còn bao lâu nữa cây Paulownia sẽ trở nên quen thuộc với tất cả mọi người Việt Nam cũng giống như một số loại cây công nghiệp có giá trị cao từng du nhập từ nước ngoài như cao-su, cà-phê... Paulownia đang được thế giới cho là cây "chiến lược" của thế kỷ 21 trong việc phục hồi các cánh rừng đã bị tàn phá. Bởi vì nó là loại cây dễ trồng, dễ sống, lớn nhanh, có giá trị kinh tế cao, cho gỗ quý.
Trong chuyến công tác vừa qua tôi đã ghé thăm vườn ươm cây Paulownia của bà Nguyễn Thị Thái và Công ty TNHH Hưng Thành, và thật may mắn, tôi đã được sang cả Cam-pu-chia thăm cánh rừng Paulownia của bạn. Cây hông (Paulownia) đúng là cây thần tài, cây vàng, cây đô-la... bởi nó là cây đem tài lộc đến với mọi nhà. Tôi muốn gọi nó là cây hy vọng.
|